top of page

Khám phá Bộ Lạc Dorze: Cần Biết Những Gì? (2025)

Đã cập nhật: 1 thg 6

Nằm trên mây, sống trong lá chuối

Andy đã từng nghĩ rằng mái nhà lá chỉ đơn giản là nơi trú mưa nắng. Nhưng khi mình đặt chân đến vùng cao nguyên gần Arba Minch, nơi bộ tộc Dorze sinh sống, mình mới hiểu ra: ở đây, nhà là cả một biểu tượng của bản sắc, là một phần của linh hồn. Những túp lều khổng lồ hình vòm cao tới hơn 10 mét được dệt từ tre lá chuối giả (false banana) – không chỉ bền bỉ đến 60 năm, mà còn có thể “di chuyển” được nếu mối mọt ăn hỏng phần chân. Các bạn có thể tưởng tượng được không, một ngôi nhà như một sinh vật sống!


Ser Andy và hai chiến binh Dorze.
Ser Andy và hai chiến binh Dorze.

Làm sao để đến làng Dorze?

Andy đến Dorze qua thành phố Arba Minch – nơi đây là cửa ngõ để khám phá cao nguyên xanh mướt phía nam Ethiopia. Từ thủ đô Addis Ababa hoặc thành phố Arba Minch, mình khuyên các bạn nên đặt tour với Adimasu Tour, một công ty địa phương đáng tin cậy đã đồng hành cùng mình trong suốt hành trình. Anh chàng Adimasu không chỉ là hướng dẫn viên, mà còn là cầu nối văn hóa – giúp mình hiểu sâu sắc hơn về người Dorze thông qua dịch thuật, kết nối cộng đồng và cả... những ly rượu truyền thống không thể quên! Đừng có quên nhé cả nhà!


👉 ADIMASU TOURS – Use code "Ser Andy" for 10% off

📧 Email: info@adimasu-tours@hotmail.com

📞 WhatsApp: +251911839428

📸 Instagram: @adimasu_tours

Adimasu và chiếc xe SUV chở khách.
Adimasu và chiếc xe SUV chở khách.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm Dorze

Thời tiết ở vùng cao nguyên Dorze quanh năm mát mẻ, nhưng thời điểm lý tưởng nhất để đến đây là từ tháng 10 đến tháng 3, khi trời khô ráo và bầu trời trong xanh – hoàn hảo cho việc khám phá làng nghề, ngắm cảnh từ trên đỉnh đồi và quay video như mình đã làm. Mùa mưa (tháng 6 đến tháng 9) tuy mang vẻ đẹp riêng với làn sương và thảm thực vật tươi tốt, nhưng đường đi trơn trượt và ít hoạt động ngoài trời hơn. Các bạn nhớ mang áo khoác mỏng vì buổi tối có thể se lạnh nhé!


Hai chiến binh Dorze.
Hai chiến binh Dorze.

Cuộc sống đời thường và tinh thần hiếu khách

Andy nhớ rõ những nụ cười thân thiện khi mình đặt chân vào làng Dorze. Người dân ở đây chào đón mình như một người bạn lâu năm – mời vào nhà, pha rượu chuối, và sẵn sàng chia sẻ từng câu chuyện đời thường. Mình được tận mắt chứng kiến cách họ chuẩn bị bữa ăn, ca hát, nhảy múa và cùng nhau uống rượu truyền thống. Cuộc sống ở Dorze có thể đơn sơ, nhưng giàu tình cảm và sự gắn kết cộng đồng. Các bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp ấy ngay khi bước chân vào làng.



Dân số, nguồn gốc và ngôn ngữ của người Dorze

Người Dorze có dân số khoảng 30.000 đến 40.000 người, sinh sống chủ yếu ở vùng cao nguyên Guge gần thành phố Arba Minch, miền nam Ethiopia. Andy được biết rằng, người Dorze là một phần của nhóm sắc tộc Omotic, và họ đã định cư tại khu vực đồi núi này hàng trăm năm, có thể từ những cuộc di cư cổ xưa từ miền bắc hoặc trung Ethiopia. Ngôn ngữ của họ là tiếng Dorze, thuộc nhánh Omotic trong hệ ngôn ngữ Phi-Á, và được xem là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng này.


Chiến binh Dorze chơi đàn 5 dây.
Chiến binh Dorze chơi đàn 5 dây.

Một cộng đồng của nghệ nhân

Bộ tộc Dorze không chỉ nổi tiếng nhờ kiến trúc đặc biệt mà còn bởi tài nghệ dệt vải truyền thống. Trong làng, tiếng khung cửi đều đặn vang lên như nhịp tim của cộng đồng. Những tấm vải cotton shamma tinh xảo, màu sắc tinh tế, chính là sản phẩm của đôi tay khéo léo được truyền từ đời này sang đời khác. Andy cũng có mua một tấm khăn choàng ở đây. Tới đây là phải mua rồi vì quá là đặc sắc, nhưng mà các bạn nhớ trả giá gắt vào nhé. Như Andy mua cái tấm này là hết $10 (khoảng 250,000 VNĐ). Lúc đầu họ hét giá tới $50 (khoảng 1,100,000 VNĐ).


Tộc trưởng Makonen bán khăn cho Andy.
Tộc trưởng Makonen bán khăn cho Andy.

Ẩm thực Dorze: bánh từ lá chuối và rượu chuối cay nồng

Điều làm Andy tò mò nhất là cách người Dorze sử dụng cây chuối giả. Thân cây được nghiền nát, ủ trong đất vài tháng rồi chế biến thành kocho – loại bánh mỏng dai như bánh tráng, nướng trên lửa than. Họ ăn cùng với mật ong rừng hoặc rau hầm cay xé lưỡi. Và tất nhiên, không thể thiếu rượu chuối lên men – thứ nước uống làm Andy vừa tê môi vừa muốn uống thêm. Anh tù trưởng ở đây thì ghiền uống rượu nên các bạn có tới thì chuẩn bị tinh thần làm vài ly nhé.



Tục lệ sống biệt lập cho đến khi có thai

Một trong những phong tục hôn nhân độc đáo nhất mà Andy tìm hiểu được ở làng Dorze là truyền thống “sống biệt lập” của vợ chồng mới cưới. Sau đám cưới, cặp đôi sẽ chuyển vào sống trong một túp lều riêng biệt, tách biệt khỏi gia đình và cộng đồng trong nhiều tháng – đôi khi kéo dài từ 3 tháng đến một năm – cho đến khi người vợ mang thai. Tục lệ này không chỉ mang ý nghĩa sinh sản mà còn đánh dấu sự trưởng thành, khởi đầu của một gia đình mới. Nó cũng phản ánh tầm quan trọng của con cái trong đời sống Dorze, nơi mà truyền thống và huyết thống được xem là linh hồn của cộng đồng.


Nhà chính (giữa, nhà bếp (phải), và nhà nhỏ cho vợ chồng mới cưới (trái).
Nhà chính (giữa, nhà bếp (phải), và nhà nhỏ cho vợ chồng mới cưới (trái).

Kết nối với thế giới – nhưng không đánh mất mình

Dù chịu ảnh hưởng từ Kitô giáo và du lịch, Dorze vẫn giữ được sự tự chủ văn hóa đáng nể. Trẻ em đến trường, người lớn học ngoại ngữ để tiếp đón khách du lịch – nhưng trong từng cử chỉ, nếp sống, Andy vẫn cảm nhận được tinh thần Dorze nguyên bản. Một cộng đồng nhỏ, nhưng sống như thể cả thế giới đang quan sát họ – và họ tự hào về điều đó.


Cùng khám phá bộ lạc Dorze với Andy qua video nhé:



Comments


Đăng nhập để kết nối với các thành viên
Xem và theo dõi các thành viên khác, để lại bình luận và hơn thế.

Tham gia danh sách gửi thư của chúng tôi

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SER ANDY @2023. 

bottom of page